Tiểu sử Nguyễn_Phúc_Bảo_Long

Thời thơ ấu

Hoàng tử Bảo Long lúc mới sinh

Bảo Long được sinh ra vào đêm ngày 4 tháng 1 năm 1936 tại điện Kiến Trung trong Đại nội Huế. Ngày 7 tháng 3 năm 1939, Bảo Long được phong hoàng thái tử khi mới 3 tuổi và bắt đầu học với nhà văn Ưng Quả, vị hoàng thân uyên bác thuộc phủ Tuy Lý Vương.

Thái tử Bảo Long ngày tấn phong Thái tử năm 3 tuổi. Nam Phương Hoàng hậu với Thái tử Bảo Long và Công chúa Phương Liên

Theo tư liệu của một giáo sư sử học Công giáo cho biết “Bảo Long đã được chịu phép rửa tội (âm thầm) và được đặt tên theo bổn mạng (tên Thánh) là Phillipe". Một trong ba thầy dạy (Thái phó precepteur du prince) của Bảo Long từ năm 4 tuổi cho tới khi khôn lớn, tại trường D’Adran Đà Lạt, đã khẳng định sự việc nói trên là đúng.[1] Bảo Đại thì không giấu diếm gì việc cho hoàng tử Bảo Long đi học trường bên đạo. Ông không phải đắn đo gì về việc này vì ông cho rằng đó là trường tốt nhất thực hành nền giáo dục phương Tây, trong lúc ở Trung Kỳ không có trường nào dạy dỗ trẻ em tốt hơn các trường học do nhà thờ tổ chức. [2]

Theo vị cận thần của vua Bảo Đại là Nguyễn Đệ, nguyên Đổng lý văn phòng của Bảo Đại và con gái là nữ tu Nguyễn Thị Nghĩa, dòng kinh sĩ Thánh Augustino thì hoàng hậu Nam Phương vốn là cựu học sinh trường dòng Couvent des Oiseaux, Paris nên rất mộ đạo. Hàng ngày bà bắt Bảo Long tối đến phải vào phòng cùng đọc kinh cầu nguyện. Còn hàng tuần có linh mục tới làm lể riêng cho Nam Phương Hoàng hậu dự lễ cùng Bảo Long. Vì vậy ngay từ nhỏ Bảo Long đã thuộc kinh bổn đạo Chúa rất thành thạo và siêng đọc kinh cầu nguyện với mẹ. Những lúc nói chuyện bằng tiếng Pháp là những lời bà Nam Phương dạy con về luật giữ đạo, về tín điều của Đạo công giáo.

Bảo Long ở cách cung Diên Thọ của Thái hậu Từ Cung vài trăm mét. Mỗi lần đến, Bảo Long ngồi cáng, sáu thị vệ theo hầu và phải mặc nam phục áo dài thêu, quần lụa, khăn đóng. Mỗi lần đến thăm bà nội, mỗi đứa cháu đều mang phẩm vật biếu bà, thường là lụa và đồ sơn mài. Thái hậu ngồi đợi các cháu trong căn phòng lớn vừa làm chỗ chơi bài vừa ngủ. Bà ngồi trên một chiếc ghế bành rộng. Các cháu đến không được ôm hôn mà phải chắp tay lạy bà theo kiểu Việt Nam. Sau đó là bà hôn trán mỗi cháu. Đó là kiểu hôn ở An Nam. Cuộc trò chuyện bắt đầu giữa bà Hoàng Thái hậu và con dâu vì Hoàng hậu Nam Phương bao giờ cũng đi với các con mỗi khi đến vấn an bà. Các con đều không dự buổi trò chuyện hoặc chỉ ngồi một lát rồi chạy đi chỗ khác, vì không quen với cách nói dài dòng của người lớn trong cung cấm và không hiểu tiếng Việt. Bà Nam Phương vừa giảng giải vừa dịch sang tiếng Pháp. Bảo Long lớn lên cùng với các em trong khung cảnh gia đình không nói tiếng Việt trong một thời gian dài. Các cuộc đi thăm Thái hậu chủ yếu là hành vi qui ước. Bọn trẻ thấy chán chỉ mong chóng đến giờ về. Trong khi chờ đợi người lớn nói chuyện, bọn trẻ tha hồ ăn hoa quả và hàng núi kẹo bánh được chuẩn bị sẵn cho chúng nhưng không được nô đùa, không được làm gì nếu không được người lớn cho phép và chỉ dẫn.

Trong sinh hoạt gia đình, trừ khi nói chuyện với Hoàng thái hậu, vợ chồng con cái đều nói với nhau bằng tiếng Pháp. Hơn thế nữa về mặt phép tắc trong nội cung, không bao giờ Vua, Hoàng hậu và các con trao đổi trò chuyện với người hầu. [3]

Bảo Long là người trầm tính nên cũng ít nói chuyện với mọi người, chỉ khi có ai hỏi thì mới trả lời. Nếu các quan trong triều muốn nói chuyện với bà Nam Phương và Bảo Long cũng phải dùng tiếng Pháp vì bà Nam Phương rất ít dùng tiếng Việt. Ngoài ra từ nhỏ ông ít khi tham gia các nghi lễ Phật giáo mà dự những nghi lễ theo lối Tây phương và nói chuyện với các quan Tây.[4][5]

Thời niên thiếu

Sau ngày vua cha Bảo Đại thoái vị đánh dấu việc kết thúc nhà Nguyễn, ông cùng các em theo hoàng hậu Nam Phương về cung An Định sống và học tại trường Đồng Khánh.[5] Vốn sinh hoạt trong gia đình với cha mẹ chỉ nói tiếng Pháp nên sau ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945, Bảo Long phải cố gắng lắm mới học được tiếng Việt.

Thỉnh thoảng Bảo Long bị các cô giáo ở trường tiểu học Đồng Khánh phạt quỳ úp mặt vào tường và ngoan ngoãn chấp hành. Nhiều hôm đi đón con, Hoàng hậu Nam Phương thấy con bị phạt đau lòng lắm nhưng cũng phải quay mặt đi để cho con thi hành xong giờ phạt. Ngoài giờ học, Bảo Long cùng chơi với học trò thường dân, hát Tiến quân ca, tập đánh trận. Nhiều lần Bảo Long đánh nhau với bạn học là trẻ con Tây.

Năm 1947, Chiến tranh Pháp – Việt nổ ra, Nam Phương đem Bảo Long và các anh chị em đến Thorenz tại Cannes, thuộc vùng biển Côte d’Azur, Pháp sinh sống[5].